12/05/2019
Nhiều giải pháp hay được các đề xuất tại Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam”, do Công ty Yến sào Khánh Hòa tổ chức sáng 11/5 tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa).
Tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi yến
Hội thảo với sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan trực thuộc Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng hơn 50 nhà khoa học, các chuyên gia trong nước. Đây là hoạt động trong khuôn khổ các sự kiện của festival biển Nha Trang 2019.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, hiện nay 42/63 tỉnh thành cả nước có nuôi chim yến, với tổng số hơn 8.500 nhà yến, tập trung nhiều nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và duyên hải miền Trung.
Hội thảo với sự tham gia của nhiều nhà khoa học
Theo ước tính, sản lượng tổ yến của Việt Nam năm 2018 đạt khoảng 68 tấn với thị trường xuất khẩu chính là Hồng Kông, Trung Quốc, Mỹ, Úc… mang lại nguồn thu nhập cao. Chính điều này, việc quản lý và phát triển bền vững nghề nuôi chim yến là điều hết sức cần thiết.
“Thực tế tiềm năng phát triển nghề nuôi chim yến của nước ta là rất lớn. Lợi thế về tự nhiên, khả năng về kỹ thuật cần khai thác tốt nhất để phát triển nghề nuôi chim yến, mang lại hiệu quả kinh tế cho các địa phương”, thạc sĩ Lê Hữu Hoàng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Yến sào Khánh Hòa nhận định.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Kiên Giang cho biết theo thống kê sơ bộ đến quý I-2018, Kiên Giang dẫn đầu cả nước với gần 1.000 nhà yến với tổng đàn ước tính khoảng 300.000 - 400.000 con. Với điều kiện rất thuận lợi, đàn chim yến sinh sống và phát triển ngày càng nhiều, hứa hẹn tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi yến lấy tổ trong thời gian tới.
Ông Lê Hữu Hoàng khẳng định tiềm năng phát triển của nghề nuôi yến
Dẫn dụ, nuôi chim yến khai thác sản phẩm từ yến là một nghề cho sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao, 1.500-2.000 USD/kg tổ yến. Sản phẩm tổ yến được các công ty xuất khẩu, thu về khoản ngoại tệ từ 100-125 triệu USD/năm. Đây thực sự là ngành chăn nuôi quan trọng và mang lại hiệu quả kinh tế, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định.
Bên cạnh việc thu thập thông tin về phát triển bền vững nghề nuôi chim yến để làm căn cứ xây dựng chiến lược đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, hội thảo lần này còn hướng đến mục đích điều tra, bảo tồn lưu giữ nguồn gen quý hiếm, giải pháp nguồn thức ăn, môi trường sinh thái nhà yến, quy hoạch các khu bảo tồn thiên nhiên cho loài chim yến…
Hướng đến việc trở thành sản phẩm quốc gia
Bộ Khoa học & Công nghệ sẽ tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ 10-20 sản phẩm chủ lực mới thành sản phẩm quốc gia, trong đó có yến sào, PGS.TS Phạm Công Hoạt, Vụ Khoa học & Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật cho hay.
Chính vì thế nâng cao sản lượng và chất lượng yến sao, phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, tăng cường xuất khẩu sản phẩm, phát triển và khẳng định thương hiệu yến sào đảo yến thiên nhiên Việt Nam là công việc tiếp tục phải đẩy mạnh của ngành yến.
Tuy nhiên cho đến nay, việc nghiên cứu thành phần hóa học, tính chất y dược của yến sào chưa được tiến hành một cách có hệ thống. Do đó, chưa nêu bật tính chất, thương hiệu cũng như hồ sơ truy xuất nguồn gốc chim yến đảo và các sản phẩm từ yến…
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã phân tích những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới sự phát triển của quần thể chim yến tại Việt Nam đồng thời địn hướng phát triển nghề nuôi chim yến theo hướng bền vững và hiệu quả cao.
Vấn phát triển bền vững nghề nuôi chim yến được nhiều đại biểu quan tâm
Các đại biểu cũng đưa ra nhiều giải pháp về khoa học công nghệ phát triển nghề nuôi chim yến, giải pháp bảo vệ an toàn quần thể chim yến, công nghệ chế biến những sản phẩm cao cấp, những sản phẩm giá trị gia tăng từ yến…
Đặc biệt, hội thảo lần này có 3 bài viết quốc tế từ Malaysia và Thái Lan về tác dụng tổ yến trong ngăn ngừa và điều trị bệnh tiểu đường, ung thư và cao huyết áp. Nghiên cứu này mở ra hướng phát triển các sản phẩm chức năng để tăng cường sức khỏe, ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh nguy hiểm, rất có tiềm năng trong tương lai.
Vĩnh Phú